Tp.HCM: Tiệc chay gây quỹ dựng chùa Phật Ngọc Xá Lợi & Bảo tháp miền Tây

Hãy đánh giá bài viết

Ngày đăng: 18/06/2018 15:09 PM

Ngày 27/04/Mậu Tuất (10/06/2018), tại Pháp viện Minh Đăng Quang (số 505 xa lộ Hà Nội, phường An Phú, quận 2, TP.HCM) đã diễn ra buổi buffet chay để gây quỹ xây dựng chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long và Bảo tháp Xá lợi miền Tây, với sự tham dự của trên 2000 phật tử xa gần. 

Được biết, cả hai công trình được TT.Thích Phước Hạnh, Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh khởi công xây dựng từ năm 2015 đến nay, với mong ước xây dựng một điểm đến tâm linh, tu tập thiền định cho tỉnh Vĩnh Long nói riêng và ĐBSCL nói chung. Riêng ngôi Bảo tháp Xá lợi miền Tây có thể nói là di tích Phật giáo của vùng ĐBSCL đã bị quên lãng trên 50 năm, nay được TT.Thích Phước Hạnh tiếp tục phục dựng.

 
Mở đầu chương trình, đại chúng cùng được nghe ca khúc “Tôi đi từ vô thủy” do HT.Thích Giác Toàn, Phó chủ tịch HĐTS, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Viện trưởng Pháp viện Minh Đăng Quang sáng tác (bút hiệu Trần Quê Hương) và TT.Thích Chân Quang, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang phổ nhạc. 
 
Chia sẻ cảm nhận về sáng tác này, HT.Thích Viên Giác cho rằng, đa phần những người có thiện căn luôn bâng khuâng khắc khoải về mục đích sống, về con đường mình phải đi và phải mất rất nhiều thời gian mới ngộ ra được vấn đề. Còn HT.Thích Giác Toàn từ khi còn rất trẻ đã nhận ra rằng mình đã đi từ vô thủy, cũng như xác định được con đường giác ngộ lâu xa mà mình phải bước đi. Hình ảnh một người tu sĩ đầu đội trời, chân đạp đất, từng bước nhỏ trên bờ biển với những ưu tư về thân phận kiếp người rất xúc động. Vị ấy nhận ra những vẻ đẹp bàng bạc trên đường đi và cũng thấy được nỗi thống khổ của nhân sinh, khát khao tìm về Thánh đạo.
 
Tiếp theo, TT.Thích Chân Quang chia sẻ rằng, vì bài thơ nguyên bản rất dài nên khi phổ nhạc, Thượng tọa chỉ trích ra một đoạn nhỏ. Được biết, HT.Thích Giác Toàn cũng sáng tác một tập thơ là “Suối về Hoa Nghiêm” mà theo TT.Thích Chân Quang thì dù có nói bao nhiêu lời cũng không nói hết được trái tim, được trí tuệ mà Hòa thượng đã gửi gắm trong đó.  
 
Hòa thượng có những câu thơ nhẹ nhàng, lãng mạn nhưng chứa đựng khẩu khí của một bậc đại nhân, như: “Tôi đi từ muôn kiếp, gọi mặt trời đi theo”. Một con người nhỏ bé trong vũ trụ, mà sao lại dám gọi mặt trời đi theo? Ẩn sâu trong tâm thức, trong công đức từ vô thủy của Hòa thượng là một bậc đại nhân, đại đức, dù vẫn phảng phất nét giản dị thanh cao của một bậc xuất trần. 
 
Mỗi câu thơ, từng lời từng chữ đều tràn đầy đạo lý, càng hiểu cái vĩ đại của bài thơ, ta càng bất ngờ bởi cái tâm, cái trí của tác giả. Như có câu: “Ta đi trong luân hồi, ta đi trong chơi vơi”, nghĩa là chẳng có gì là ổn định, tất cả đều mong manh tạm bợ, mà ai cũng phải đi qua đất trời, đi qua cõi tạm bợ ấy. 
 
Hoặc “Tôi đi trong tim tôi”, nghĩa là đi đâu thì đi, nhưng không bao giờ đi ra khỏi tâm thức, khỏi cái nghiệp của chính mình. Tất cả cõi giới ta đi qua đều biểu hiện cái tâm của mình cả. Từ tâm từ ý này ta tạo thành nghiệp và nơi nghiệp này ta có đất trời, ta có tam giới để mình lang thang. Câu thơ lãng mạn nhẹ nhàng mà chứa được tất cả đạo lý Phật đà. 
 
Hoặc “Qua sông mê khổ nạn, qua hận thù lửa đạn, qua vạn trái tim ai”. Nghĩa là khi đi qua luân hồi, ta phải đi qua bao nhiêu tình thương ghét của mọi người trên thế gian. Mỗi một kiếp ta yêu thương rất nhiều người và cũng rất nhiều người yêu thương mình, có rất nhiều tình cảm ta gửi lại trong dòng luân hồi vô tận này. Theo TT.Thích Chân Quang, có nói vài ba ngày cũng không hết được đạo lý trong bài thơ. 
 
Tiếp lời, nói về công trình xây dựng chùa Phật Ngọc Xá Lợi, HT.Thích Giác Toàn tri ân chính quyền tỉnh Vĩnh Long đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công trình. Ngôi Bảo tháp trang nghiêm thờ Xá lợi đức Phật không chỉ cho Phật giáo Vĩnh Long mà còn cho cả miền Tây. Khi công trình hoàn thành thì không chỉ phật tử miền Tây mà miền Đông, Sài Gòn, rồi cả nước đi về miền Tây, đi ngang cầu Mỹ Thuận đều có thể ghé thăm ngôi Bảo tháp. 
 
Cũng nói về ý nghĩa của công trình xây dựng tháp Phật Ngọc Xá Lợi, TT.Thích Chân Quang cho rằng xây dựng chùa là để tu hành và giáo hóa. Bất cứ việc gì người đệ tử Phật làm đều có hai mục đích chính là tu hành và giáo hóa. Xây chùa, đọc kinh, xây dựng Giáo hội, giữ gìn giới luật… cũng để tu hành và giáo hóa mà thôi. Và chúng tu thế nào thì ta sẽ sống, sẽ làm, sẽ nói như thế và sẽ giáo hóa như thế. 
 
Ví dụ, một người có tu tâm từ bi sẽ có lối sống nhân ái vị tha và thường khuyên mọi người tập rải tâm từ. Một người tu thiền thì luôn âm thầm giữ tâm thanh tịnh, và thường nói về thiền định, về thanh tịnh nội tâm, các tầng bậc thiền, thường khuyên mọi người tinh tấn hành thiền.
 
Hoặc một người tin nhân quả thì thường chắt mót làm từng điều phước nhỏ, có sự bình thản trước bao thương – ghét mà con người mang đến cho mình, bởi biết rằng tất cả đều là nhân quả nghiệp duyên quá khứ với nhau mà thôi. Hiểu nhân quả, người đó lý giải được rất nhiều điều trong cuộc sống này và vì thế lòng bình an, cứ lặng lẽ làm phước, sống tử tế, giúp đời không chấp công, rồi mọi chuyện “Trời xanh sẽ tự an bài”, tức là tin rằng khi mình sống tốt, trời đất sẽ sắp xếp sự yêu thương, tử tế đến với cuộc đời mình. 
 
Tóm lại, ta tu cái gì thì cuộc sống mình sẽ hiện ra cái đó, còn nếu tu sai, tu theo đường tà thì không chỉ cuộc sống mình bế tắc, mà cái sai cũng từ đó mà lan sang nhiều người khác nữa.
 

Tại buổi lễ, các phật tử, mạnh thường quân, Hội từ thiện Thiền Tôn Phật Quang đồng cúng dường cho công trình xây dựng chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long và Bảo tháp Xá lợi miền Tây.